7 tháng 4, 2011

Bệnh bong võng mạc.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tâm: Theo anh cho biết, mắt phải đã bị cườm từ 30 năm nay nhưng không mổ vì cườm đa bị “long chân” tức là, theo tôi hiểu, đã bị trật khớp (luxation), rơi vào dịch kính, phần chất lỏng nhầy, nửa sau nhãn cầu. Đồng thời mắt phải cũng đã không còn nhìn thấy gì. Mắt trái của anh có tiền căn bị cận thị và năm 1998, tức là cách nay 5 năm, đã bị bong võng mạc, được mổ tại bệnh viện Chợ Rẫy. Sau mổ mắt sáng lại được phần nào trong 2 năm rồi cũng không còn nhìn được gì nữa. Như vậy là hiện nay anh hoàn toàn mù cả hai mắt. Đồng thời anh cũng cho biết anh có một đứa con cũng bị bong võng mạc lúc 10 tuổi. Tóm lại, mắt phải của anh Lộc bị cườm, được phát hiện từ khi anh còn trẻ (15 tuổi). Khong thấy anh có bị chấn thương gì ở mắt phải hết nên tôi có thể nghi anh bi cườm bẩm sinh hoặc cườm bệnh lý. Cườm bẩm sinh là cườm có từ khi mới sanh do người mẹ có bệnh khi mang thai hoặc có bệnh di truyền gây nên. Một số bệnh nhiễm virus khi người mẹ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây cườm bẩm sinh cho con khi mới sanh. Ta có thể kể:

- Bệnh Rubella với tỉ lê cao nhất 40%-60%
- Bệnh quai bị (mump) với tỉ lệ 10%-22%
- Viêm gan với tỉ lệ 16%
- Nhiễm toxoplasmose 5%

Cườm bệnh lý do chính bản thân người bị cườm có bệnh toàn thân hoặc tại mắt gây nên. Bệnh toàn thân thường gặp như:

-Tiểu đường (diabete)
-Galactosemie (thiếu điều tố để biến đường galactose). Trường hợp này nếu được chẩn đoán sớm thì ta chỉ cần ngưng không cho người bệnh ăn các loại sữa và thực phẩm có galactose là cườm sẽ tự biến đi, không phải giải phẫu gì cả.
-Bệnh thiếu calcium (hypocalcemie)

Bệnh tại mắt như:

Các trường hợp viêm nội nhãn kinh niên hay mãn tính (viêm mống mắt, viêm màng bồ đào, viêm võng mạc...)ê

Ngoài 2 loại cườm vừa kể, ta còn 2 loại khác mà tôi nghĩ không nằm trong trường hợp của anh, đó là cườm do chấn thương trực tiếp lên mắt và cườm ở người già.

Điều kiện chính để mắt có thể thấy sáng sau khi mổ cườm là võng mạc, tức là phần thần kinh mắt, nơi tiếp nhận kích thích ánh sáng, phải còn tương đối tốt. Nếu võng mạc bị viêm nhiễm, thoái hóa, xuất huyết hoặc bị bong lên thì dù có mổ lấy cườm đi cững vẫn không nhìn sáng được. Như vậy trường hợp mắt phải của anh, nếu không còn phân biệt được sáng tối gì cả, thì có lẽ võng mạc cũng đã bị tổn thương và không có chỉ định mổ lấy cườm trừ phi có biến chứng gây đau nhức mắt.

Về phần mắt trái của anh Lộc, đã bị bong võng mạc và được mổ tại bệnh viện Chợ Rẫy năm 1998. Nếu anh không có bệnh mắt nào khác hoặc bị chấn thương mắt thì hai nguyên do chính gây bong võng mạc là cận thị nặng (trên 10 độ) và yếu tố di truyền. Dự hậu sau khi mổ bong võng mạc tùy thuộc nguyên do của bệnh, tình trạng bong võng mạc lan rộng hay khu tru, có bao gồm hoàng điểm tức phần trung tâm của võng mạc hay không, đồng thời cũng tùy vào phương pháp giải phẫu và thời gian mổ sớm hay trễ.

Cách điều trị cũng thay đổi tùy tình trạng bong võng mạc nặng hay nhẹ. Nếu mới chỉ có một vết rạch nhỏ thì có thể dùng tia laser để đốt và dán cho võng mạc bị bong lại. Nếu bong võng mạc lan rộng hơn, sẽ phải dùng các phuơng pháp mổ phức tạp hơn để cột ép nhãn cầu lại.

Anh nên gặp lại bác sĩ Nghiêm Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc các Bác sĩ chuyên khoa mắt ở Bệnh viện Điện Biên Phủ thành phố Hồ Chí Minh để biết rõ thêm tiến triển và dự hậu trường hợp bong võng mạc mắt trái của anh. Chúc anh may mắn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét